Thứ Tư, 25 tháng 4, 2012

Ngân hàng sẽ chết cùng doanh nghiệp?

Nếu trong vòng một năm tới mà tình hình vốn cho vay không được đẩy mạnh, còn căn hộ cũng không làm cách nào "đẩy" được, các ngân hàng liệu có phá sản như cái chết hiện hữu của doanh nghiệp?
Gậy ông đập lưng ông!
Vào những ngày cuối tháng 4/2012, Ngân hàng Nhà nước lại phải ban hành một văn bản nữa - số 2506, yêu cầu các tổ chức tín dụng xem xét điều chỉnh lãi suất cho vay của các hợp đồng tín dụng theo mức lãi suất cho vay hiện hành. Như vậy, đây là công văn thứ hai liên tiếp trong vòng hơn một tháng, nếu tính cả văn bản số 1656 cũng của cơ quan này ban hành vào ngày 22/3/2012, yêu cầu 5 ngân hàng Agribank, Vietinbank, Vietcombank, BIDV và MHB tiết giảm chi phí và hạ lãi suất cho vay.
Vì sao NHNN lại có động thái chỉ đạo giảm lãi suất cho vay gấp gáp như thế, trong khi trước đó cơ quan này đã hai lần liên tiếp hạ trần lãi suất huy động từ 14% về 12%?
Hai tuần sau khi trần lãi suất huy động được chính thức kéo giảm, đã có những xác nhận về tình hình ứ đọng vốn trong ngân hàng vẫn chưa có gì được cải thiện. Dù lãi suất huy động giảm và kéo theo mặt bằng lãi suất cho vay "ưu đãi" tại một số ngân hàng lớn như BIDV, Vietinbank, Eximbank, kể cả những ngân hàng loại vừa như An Bình và SeaBank giảm theo, nhưng lãi suất cho vay nhìn chung vẫn còn treo ở vùng khá cao - từ 18-19%, khiến cho ngay cả các doanh nghiệp trong diện "ưu tiên" như nông nghiệp, xuất khẩu và sản xuất cũng "không làm cách nào tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng" - như một xác nhận của Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam.
Tại TP.HCM, lần đầu tiên một con số được chính thức công bố: trong quý I/2012, chỉ có 23% số doanh nghiệp vay được vốn ngân hàng, còn lại 77% vẫn thúc thủ thịu phép. Chưa kể đến việc 23% doanh nghiệp kia vay được nhiều hay thậm chí chỉ một phần nhỏ nhu cầu vay vốn của họ, rõ ràng cán cân cung - cầu tín dụng giữa hệ thống ngân hàng và khối doanh nghiệp vẫn bị lệch pha trầm trọng. Đó cũng là lý do vì sao kinh tế quý I/2012 gần như tăng trưởng âm, còn các doanh nghiệp vẫn nằm nguyên trong tình trạng "lâm sàng".
Cũng từ năm 2011 đến nay, chưa bao giờ các ngân hàng lại phải "rền rĩ" như thời gian gần đây. Đầu tiên là ngân hàng ACB khi đưa ra một con số không thiếu tính thuyết phục: 3 tỷ USD nằm "chết" trong ngân hàng này mà không cho vay được. Sau đó, đến lượt một số ngân hàng khác cũng phụ họa. Lãnh đạo của ACB và ngân hàng Liên Việt còn nói thẳng rằng đã đến lúc phải cứu doanh nghiệp, vì nếu doanh nghiệp chết thì ngân hàng cũng chết theo.
Có thể hiểu nỗi bĩ cực của các ngân hàng hiện thời là như thế nào. Tình thế khó khăn về tiêu thụ vốn mà trước đây các ngân hàng đồng lòng giữ gìn như một thông tin "tuyệt mật", nay đang dần lộ ra một cách tự nguyện. Nếu tính từ thời điểm tháng 9/2011 - là lúc mà NHNN siết lại trần lãi suất về 14%, thời gian đã trôi qua 8 tháng, gây ra một sự lãng phí ghê gớm đối với số vốn nằm chết trong hệ thống ngân hàng.
Cũng bởi vậy, chính BIDV là ngân hàng đầu tiên thẳng thắn thừa nhận rằng ngân hàng này sẽ phải chấp nhận hạ lãi suất cho vay, cho dù có vì thế mà lợi nhuận năm 2012 sẽ bị giảm khoảng 1.200 tỷ đồng.
Rõ là nước đã ngập sát chân, mỗi ngân hàng phải tự tìm cách "nhảy", mà còn phải "nhảy" thật nhanh để khỏi bị chết chìm.
Sẽ chết cùng doanh nghiệp?
Không chỉ bị gò ép bởi khối vốn tồn đọng có thể lên đến vài trăm ngàn tỷ đồng, các ngân hàng còn mang trong lòng một nỗi lo canh cánh khác: làm sao tiêu thụ được khối bất động sản mà ngân hàng, qua quá trình thâu tóm và siết nợ, vô hình trung đã trở thành kẻ nhận lãnh hậu quả cuối cùng.
Cái chết của doanh nghiệp BĐS đã là một lẽ, nhưng với ngân hàng thì không sung sướng gì hơn. Không phải ngẫu nhiên mà mới đây, đã có thông tin tiết phát về một số ngân hàng lớn như Vietcombank, ACB, Vietinbank, BIDV và lẽ dĩ nhiên cả một số ngân hàng nhỏ như Phương Tây, Bảo Việt... , đang phải gánh một khối tài sản BĐS lớn trên vai, nhưng không làm sao tiêu thụ được.
Trong số tài sản đã thuộc về ngân hàng, hai phân khúc đất nền và căn hộ có thể chiếm vị trí chủ đạo. Nhưng nếu đất nền vẫn có thuận lợi nhất định trong thói quen tiêu dùng và mua bán của người dân, thì phân khúc căn hộ lại nằm trong thế hoàn toàn bế tắc. Tài sản mà các ngân hàng sở hữu hiện nay lại đa phần là loại căn hộ trung cấp và căn hộ cao cấp.
Sẽ không thể xác quyết rằng việc tiêu thụ phân khúc căn hộ trung - cao cấp của ngân hàng là dễ dàng, một khi chính các doanh nghiệp BĐS, dù đã phải thực hiện quá nhiều chiêu khuyến mãi từ nhiều tháng qua, nhưng tình hình bán hàng vẫn không khả quan hơn chút nào. "Đại gia" Hoàng Anh Gia Lai là một ví dụ điển hình.
Sự khác biệt có lẽ chỉ đến từ hiện trạng những ngân hàng nào nắm căn hộ ở Hà Nội và ngân hàng nào có căn hộ ở TP.HCM. Hai thành phố này có đặc điểm khác nhau cơ bản là mặt bằng giá căn hộ của TP.HCM chỉ bằng khoảng một nửa đến 2/3 giá căn hộ ở Hà Nội. Cho dù vẫn có nhiều thông tin cho rằng nhu cầu nhà ở tại Hà Nội còn rất lớn, nhưng thực tế nguồn cung lại vẫn tuôn ra ồ ạt. So với năm 2009, hiện thời lượng căn hộ trung - cao cấp ở Hà Nội phải gấp ít nhất 3 lần. Đó là chưa kể đến số dự án căn hộ sẽ được các chủ đầu tư tung ra trong những năm tới.
Vào tháng 3/2012, một quan chức của Bộ Xây dựng - ông Nguyễn Trần Nam, đã lên tiếng "đính chính" về việc chủ trương của Nhà nước mua lại nhà chung cư sẽ nhằm giải cứu cho ngân hàng chứ không phải cho doanh nghiệp BĐS. Bình luận này cho thấy có thể một phần lớn phân khúc căn hộ đang lưu thông hiện hành là thuộc về sở hữu của ngành ngân hàng. Và chính ngân hàng mới là đối tượng phải mất ăn mất ngủ nếu đến cuối năm nay và cả năm 2013 số căn hộ tồn đọng không tiêu thụ được.
Khách quan nhận xét, hai yếu tố tồn vốn và tồn BĐS đang làm cho ngân hàng tái hiện thế khó khăn của khối doanh nghiệp vào thời điểm giữa năm 2011. Mà từ giữa năm 2011 đến nay, con số doanh nghiệp phải giải thể đã lên đến 80.000, chỉ tính theo số thống kê chính thức.
Nếu trong vòng một năm tới mà tình hình vốn cho vay không được đẩy mạnh, còn căn hộ cũng không làm cách nào "đẩy" được, các ngân hàng liệu có phá sản như cái chết hiện hữu của doanh nghiệp?
Theo VEF

Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012

Giá xăng dầu nhiều nước đồng loạt giảm

Giá bán lẻ xăng dầu đang giảm ở nhiều quốc gia như một xu hướng rõ rệt khi giá dầu thô thế giới giảm nhiệt và đi vào ổn định. Có những nước không tính giảm giá xăng dầu, nhưng cũng đảm bảo sẽ không tăng giá nhiên liệu trong thời gian trước mắt.
Theo tờ Business Week, trong 2 tuần tính đến cuối tuần trước, giá xăng bán lẻ trung bình tại Mỹ đã giảm 5 cent/gallon, còn 3,91 USD/gallon, tương đương khoảng 21.600 đồng/lít. Vào ngày 6/4, giá xăng trung bình ở Mỹ đã lên tới 3,96 USD/gallon, tương đương trên 21.800 đồng/lít.
Sự đi xuống của giá xăng tại Mỹ song hành với xu hướng chững lại của giá dầu thế giới. Tính đến chiều nay (24/4), giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 6 tại Mỹ ở mức xấp xỉ 103 USD/thùng, giá dầu Brent Biển Bắc tại London vào khoảng 119 USD/thùng. Hồi giữa tháng 3, giá dầu ngọt nhẹ đã lên tới 110 USD/thùng và giá dầu Brent lên gần 127 USD/thùng.
Theo Viện Lundberg, một tổ chức nghiên cứu chuyên thực hiện các cuộc điều tra về giá năng lượng tại Mỹ, kể từ tháng 12/2011 tới nay, đây là lần đầu tiên giá xăng bán lẻ trung bình tại Mỹ đi xuống. Thành phố Tulsa thuộc tiểu bang Oklahoma hiện là nơi có giá xăng rẻ thấp nhất trong số các thành phố được Lundberg khảo sát, với 3,52 USD/gallon, tương đương 19.400 đồng/lít xăng. Trong khi đó, Chicago là thành phố có giá xăng bán lẻ cao nhất, trung bình là 4,26 USD/gallon, tương đương gần 23.500 đồng/lít.
Giá xăng ở nhiều nước khác cũng đã và chuẩn bị giảm. Ấn Độ và Malaysia tuy không giảm giá xăng nhưng chính phủ đã tuyên bố sẽ không tăng giá. “Xăng là một mặt hàng thiết yếu đối với cuộc sống của người dân. Nếu Chính phủ tăng giá xăng, gánh nặng chi phí sinh hoạt đối với người dân sẽ gia tăng”, báo chí Malaysia dẫn tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Thương mại nước này, ông Datuk Seri Ismail Sabri Yaakob.
Do được trợ giá 1,09 Ringgit/lít, giá xăng Ron 95 ở Malaysia hiện chỉ ở mức 1,9 Ringgit (12.890 đồng)/lít, thấp hơn nhiều nước ở Đông Nam Á khác.
Theo báo Philippines Star của Philippines, hãng dầu lửa lớn nhất nước này là Petron vừa giảm giá bán lẻ xăng loại cao cấp 65 centavo (310 đồng)/lít và giảm giá xăng thưởng 50 centavo (239 đồng)/lít. Giá dầu diesel được hãng này giảm 40 centavo(191 đồng)/lít, còn giá dầu hỏa giảm 25 centavo (120 đồng)/lít.
Các hãng bán lẻ xăng dầu khác của Philippines như Pilipinas Shell Petroleum hay Seaoil Philippines cũng đều đã đồng loạt cắt giảm giá bán lẻ xăng dầu. Giá xăng Ron 95 ở Philippines hiện vào khoảng 59,35 Peso (28.900 đồng)/lít, còn giá dầu diesel vào khoảng 46,40 Peso (21.000 đồng)/lít.
Như vậy, chỉ trong vòng hơn 1 tuần qua, Philippines đã giảm giá xăng dầu 2 lần, trong đó đợt thứ nhất diễn ra vào hôm 15/4.

Hãng tin Bloomberg dẫn nguồn tin Đài phát thanh quốc gia Trung Quốc (CNR) cho biết, trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm lại kéo nhu cầu tiêu thụ xăng dầu suy giảm, Bắc Kinh có thể giảm giá bán lẻ xăng và dầu diesel vào tháng tới. Trong khi đó, theo tin từ Tân hoa xã, chưa cần Chính phủ tuyên bố giảm giá xăng dầu, nhiều công ty kinh doanh xăng dầu Trung Quốc đã hạ giá bán lẻ dầu diesel. Đây là lần đầu tiên kể từ đầu năm, các nhà bán lẻ xăng dầu Trung Quốc hạ giá sản phẩm.
Tại một số thành phố lớn như Thượng Hải và Bắc Kinh, giá dầu diesel đã giảm 0,2 Nhân dân tệ (tương đương 660 đồng)/lít. Thậm chí, ở Triết Giang, giá dầu diesel thậm chí đã giảm 0,5 Nhân dân tệ (1.650 đồng)/lít. Giá dầu diesel tại Trung Quốc hiện vào khoảng 7,46 Nhân dân tệ (24.700 đồng)/lít.
Theo nhận định của các chuyên gia thuộc công ty Barclays Capital, giá dầu thế giới giảm là do giới đầu tư dầu lửa quốc tế đang có nhiều lo ngại về viễn cảnh tăng trưởng kinh tế. Trong khi kinh tế Mỹ phục hồi chậm chạp và kinh tế châu Âu bị khủng hoảng nợ đẩy tới bờ vực suy thoái thêm lần nữa, kinh tế Trung Quốc lại giảm tốc đáng kể.
Ngân hàng Societe Generale của Pháp cho rằng, nước Mỹ sẽ chặn đà tăng của giá dầu bằng cách sử dụng kho dầu chiến lược trong trường hợp giá dầu tăng mạnh trở lại nếu căng thẳng với Iran gia tăng. Vào ngày 1/7 tới, Liên minh châu Âu (EU) sẽ bắt đầu thực thi lệnh cấm vận đối với Iran.
Nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng, cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Iran có thể sẽ tạo một lực đỡ quan trọng cho giá dầu. “Thị trường dầu lửa đang chia đều thành hai phe, một bên cho là giá dầu sẽ tăng, một bên cho là giá sẽ giảm”, ông Jonathan Barratt, Giám đốc trang tin hàng hóa cơ bản Barratt’s Bulletin ở Sydney, nhận định trong cuộc trao đổi với Bloomberg.
Giá xăng đi xuống ở Mỹ đang ủng hộ tích cực cho Tổng thống Mỹ Barack Obama trong chiến dịch tranh cử tổng thống. Gần đây, tỷ lệ ủng hộ ông Obama đã giảm mạnh do người dân Mỹ không hài lòng với tình trạng xăng dầu tăng giá. Giới quan sát cho rằng, khi giá xăng giảm, thì tỷ lệ ủng hộ ông Obama chắc chắn sẽ được cải thiện.
Theo Dân trí

Thứ Hai, 16 tháng 4, 2012

Tưởng niệm 100 năm Titanic chìm vào đại dương

Tròn 100 năm ngày tàu Titanic đâm phải tảng băng trôi và bị đắm ngoài khơi biển Bắc Đại Tây Dương (15-4-1912 - 15-4-2012), người dân khắp thế giới tổ chức nhiều sự kiện khác nhau để tưởng nhớ con tàu này.

Một du khách chụp màn hình hiển thị tàu Titanic tại tòa thị chính Belfast, nơi diễn ra lễ ra mắt khu vườn tưởng niệm Titanic - Ảnh: AFP
Từ nhiều tháng nay, các nghệ sĩ, các nhà khoa học và các viện bảo tàng tại các quốc gia Anh, Canada, Ireland, Mỹ, Singapore…đã cùng tham gia công tác chuẩn bị tổ chức lễ tưởng niệm Titanic của riêng mình.
Những sự kiện đầu tiên được tổ chức tại cảng Halifax (Canada), nơi tàu cứu hộ xuất phát để đến vùng biển Đại Tây Dương lạnh giá vớt các thi thể ngay sau khi Titanic gặp nạn. 150/1.514 nạn nhân xấu số cũng đã được chôn cất tại thành phố cảng này.

Các du khách trong chuyến tàu Titanic Memorial Cruise ăn vận như ở thập niên đầu thế kỷ 20.
Tàu MS Balmoral khởi hành từ cảng Southampton - Anh (nơi tàu Titanic xuất phát trước đây) ngày 8-4, MS Balmoral sẽ đi lại hành trình mà Titanic đã đi qua trước khi bị đắm ở biển Đại Tây Dương 100 năm trước - Ảnh: AP
Cuối ngày 14-4, những người tham gia lễ tưởng niệm đã tập trung tại Bảo tàng Đại Tây dương ở Halifax, sau đó diễu hành quanh khu buôn bán của thành phố cảng.
Đoàn diễu hành mang những ngọn nến, đi sau một cỗ xe ngựa kéo một quan tài tượng trưng, băng qua các địa danh in dấu ấn của Titanic và cuối cùng dừng chân tại tòa thị chính thành phố tham dự buổi hòa nhạc tưởng nhớ với hơn 20 nghệ sĩ địa phương và một ban nhạc thuộc lực lượng quân đội Canada.

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày Titanic gặp nạn, nhiều mẫu tem mang hình con tàu đã được ra mắt - Ảnh: Reuters
Trong khi đó, hai con tàu du lịch là MS Balmoral khởi hành từ cảng Southampton và tàu MS Azamara từ cảng New York đã gặp nhau ngoài khơi Đại Tây Dương - đúng địa điểm nơi Titanic bị chìm. Hai con tàu chở hơn 1.700 người, trong đó có cả hậu duệ của những hành khách trên tàu Titanic năm xưa.
Tại đây, tàu đã mô phỏng lại cuộc gọi cứu nạn của Titanic như 100 năm trước: “Tàu đã đâm phải băng trôi. Chúng tôi yêu cầu hỗ trợ ngay lập tức. Tàu đâm phải băng trôi và đang chìm. Chúng tôi đang đưa phụ nữ ra khỏi tàu… ”.
Đúng 2h20 sáng theo giờ tàu (khoảng 12g20 ngày 15-4 theo giờ Việt Nam), thời khắc con tàu chìm dần xuống đáy đại dương, tại địa điểm cách cảng Halifax 800km về phía Đông Nam, các hành khách đã thả xuống biển những vòng hoa để tưởng niệm những nạn nhân xấu số.
Một số hành khách trên tàu MS Balmoral cũng xúc động chia sẻ câu chuyện của cha ông mình 100 năm về trước.
Susie Millar - người có ông cố là Thomas Millar, kỹ sư trên boong tàu Titanic lúc bấy giờ, bồi hồi nói: “Tôi muốn gửi vòng hoa này cho ông cố - người vĩnh viễn nằm dưới biển lạnh lẽo và hoang vu kia. Khi lên tàu Titanic, ông chỉ muốn tạo dựng cho hai cậu con trai, vốn đã mất mẹ, một cuộc sống mới nhưng thảm họa Titanic lại vô tình biến hai cậu bé thành trẻ mồ côi”.

Phút trầm mặc của một du khách trên tàu MS Balmoral tại chính nơi Titanic bị nạn năm xưa - Ảnh: Reuters
Các hành khách tập trung tại boong tàu MS Balmoral chờ đợi đến thời khắc lễ kỷ niệm đặc biệt chính thức bắt đầu - Ảnh: Reuters

Vòng hoa được các hành khách tàu MS Balmoral chuẩn bị sẵn - Ảnh: Reuters
Du khách tàu MS Balmoral dành 2 phút mặc niệm vào thời khắc tàu đến được địa điểm nơi Titanic gặp nạn trên biển Đại tây dương - Ảnh: Reuters
Tại thủ đô Belfast (Ireland), nơi tàu Titanic ra đời, hàng nghìn người đã tập trung tại tòa thị chính thành phố để tham dự lễ ra mắt khu vườn tưởng niệm Titanic. Trong khuôn viên vườn rộng 9ha, lần đầu tiên một bảng đồng khắc đầy đủ tên của hơn 1.500 nạn nhân xấu số của thảm họa tàu Titanic được hoàn thành. Các nạn nhân, không phân biệt hành khách hạng VIP hay hạng thường, được khắc tên theo thứ tự chữ cái.
Joy Hutchinson - kiến trúc sư công trình trên, cho hay với đầy đủ những mảng màu xanh da trời, trắng, bạc và xanh lá cây, tượng trưng cho nước biển và băng, khu vườn cố gắng mang lại cảm giác của hòa bình và sự chiêm nghiệm.
Trước đó, ngày 14-4, tiến sĩ hải dương học Robert Ballard, người phát hiện ra vị trí xác con tàu Titanic vào năm 1985, cũng đã có bài thuyết trình gây thu hút tại thủ đô Belfast. Ông Robert cho hay những thời khắc lặn xuống địa điểm nơi con tàu gặp nạn và chứng kiến cảnh những thi thể bị phân hủy nằm dưới đáy đại đương với những chiếc giày trống là những khoảnh khắc kinh hãi nhất đối với ông. Qua nhiều thế hệ, chỉ có những đôi giày da là không bị nước biển bào mòn.
Ở thành phố Lichfield, miền Trung nước Anh, hơn 1.500 ngọn nến cũng đã được thắp dưới chân tượng đồng của Edward Smith, thuyền trưởng tàu Titanic...
Sau 100 năm, vẫn không “sợ” Titanic
Tròn 100 năm sau tai nạn tàu Titanic, những con tàu du lịch khổng lồ hơn cứ tiếp tục ra đời và vẫn phải đối mặt với những nguy hiểm trên đại dương, những “thảm họa Titanic” mới.
Con tàu Costa Concordia bị đắm ngoài khơi đảo Giglio của nước Ý ngày 13-1 - Ảnh: Reuters
Vụ con tàu du lịch hạng sang Costa Concordia đã mắc cạn ở bờ biển của Ý ngày 13-1 làm 32 hành khách bỏ mạng vẫn không sao ngăn cản nổi xu hướng “khổng lồ hóa” này. Ngành đóng tàu tin rằng những con tàu du lịch cao cấp vẫn thu hút du khách.
Trong số 13 con tàu du lịch cỡ lớn bắt đầu hoạt động vào năm 2011, có bốn tàu sức chứa 2.500 hành khách. Năm nay, trong số 15 con tàu cỡ lớn đưa vào hoạt động sẽ có thêm ít nhất năm con tàu sức chứa tương tự như vậy. Tháng 3-2012, Công ty Vận chuyển đường biển Địa Trung Hải (MSC) đã đặt hàng con tàu dài 333m, với sức chứa 5.700 hành khách.
Hiệp hội Tàu du lịch quốc tế (CLIA) dẫn số liệu cho biết trong 10 năm trước khi tàu Costa gặp nạn, chỉ có 28 người thiệt mạng trên tàu du lịch cỡ lớn. Hội đồng tàu du lịch châu Âu cho biết ngay cả gộp tai nạn tàu Costa vào, thì tỉ lệ thiệt mạng từ năm 2002 khi đi tàu cỡ lớn là 0,2/triệu người.
Thị trường du lịch hàng hải bằng tàu cỡ lớn vẫn đang tăng trưởng với số du khách kỷ lục 16 triệu người năm 2011.
Nguồn: Daily Mail

Chủ Nhật, 8 tháng 4, 2012

Lộ diện doanh nhân Việt mua đứt thị trấn Mỹ

Theo nguồn tin riêng của Tuổi trẻ, doanh nhân đã thắng đấu giá thị trấn Buford là anh Phạm Đình Nguyên - tổng giám đốc Công ty Dịch vụ phân phối tổng hợp quốc tế (IDS), trụ sở tại TP.HCM.
>> Hai người Việt mua cả một thị trấn ở Mỹ
Anh Nguyên đi cùng một người bạn bay từ TP.HCM sang Cheyenne (thủ phủ bang Wyoming, cách Buford khoảng 60km).
Doanh nhân Phạm Đình Nguyên
Anh đã vượt qua 25 người từ nhiều quốc gia trong một cuộc đấu giá nghẹt thở 11 phút, cũng được xem là dài nhất trong các cuộc đấu giá bất động sản ở Mỹ vốn chỉ mất khoảng 3 phút là nhiều.
Theo anh Nguyên, dù giá trị đấu giá chung cuộc 900.000 USD không phải là lớn “nhưng đây được xem là sự kiện được đông đảo báo giới quốc tế quan tâm do tính độc đáo của thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ này”.
“Một trong những hoạt động kinh doanh chính của IDS là phân phối, phát triển thị trường. Sở hữu một thị trấn như Buford là bàn đạp về mặt tinh thần để chúng tôi xuất khẩu sang thị trường Mỹ những thương hiệu Việt Nam. Đồng thời cũng là cơ hội để chúng tôi giới thiệu những thương hiệu mới mà chúng tôi sở hữu” - anh Nguyên cho biết.
Khẳng định mình không phải là “đại gia”, anh Nguyên cho hay việc tìm đến cuộc đấu giá này diễn ra rất nhanh.
“Ý tưởng mua một thị trấn chỉ mới cách đây không đầy hai tuần khi tôi tình cờ đọc được tin trên báo mạng. Thành thật mà nói, tôi chưa có một kế hoạch cụ thể nào cho thị trấn này. Nhưng một điều tôi nghĩ người Việt Nam chúng ta không nên tự ti. Không có gì là không thể!” - anh Nguyên nói.
Anh Nguyên có bà con bên Mỹ hỗ trợ cho vay để mua thị trấn này. Hiện người nhà bên Mỹ của anh Nguyên chỉ mới đặt cọc 100.000 USD. Trong 30 ngày tới, người nhà của anh Nguyên sẽ phải chuyển tiếp 800.000 USD còn lại.
Ngoài ra, anh Nguyên còn phải trả thêm một số chi phí liên quan việc làm giấy tờ, phí môi giới...
3 cách để mua bất động sản ở Mỹ
Ông L.Đ.T. - doanh nhân sinh sống và làm ăn tại TP.HCM - cho biết ông có nhiều bạn bè mấy năm trước đã sang Mỹ đầu tư, mua đất làm trang trại. Một nhóm bạn khác mua nhà để cho con cái sau này sang học tập, sinh sống. Giá một trang trại trung bình ở Mỹ dưới 1 triệu USD rao bán cũng khá nhiều. “So với giá những lô đất của họ đã có ở Phú Mỹ Hưng (Q.7, TP.HCM), có những lô từng bán với giá 1,8 triệu USD (khoảng 36 tỉ đồng), biệt thự họ sống giá 40-50 tỉ đồng thì việc mua một trang trại vài trăm ngàn USD hoặc hơn 1 triệu USD không là chuyện quá lớn” - ông T. chia sẻ.
Theo ông T., có ba cách để mua bất động sản ở Mỹ mà bấy lâu nay các doanh nhân Việt Nam vẫn áp dụng.
Thứ nhất: lập công ty, có dự án đầu tư ở Mỹ, tiến hành làm thủ tục xin Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - đầu tư) cấp phép, sau đó chuyển giấy phép này qua Ngân hàng Nhà nước để chuyển tiền sang Mỹ theo đúng mục đích đầu tư.
Thứ hai (khá phổ biến): doanh nhân Việt sẽ lấy “thẻ xanh” (green card) hay còn gọi là thẻ định cư và chuyển tiền theo nhu cầu. Có hai loại thẻ xanh: định cư hoặc đầu tư. Với trường hợp đi định cư, người định cư sẽ được mang tiền trong tài khoản sang Mỹ. Cá nhân người Việt sẽ nhờ luật sư tìm cơ hội kinh doanh ở Mỹ để đầu tư. Sau đó công ty ở Mỹ sẽ gửi hợp đồng hợp tác làm ăn và một hóa đơn yêu cầu chuyển tiền, cá nhân Việt Nam mang hợp đồng và hóa đơn này ra ngân hàng và chuyển sang Mỹ.
Theo ông T., cách đây 18 tháng, chỉ cần đầu tư 500.000 USD (hơn 10 tỉ đồng), trước kia là 1 triệu USD, sẽ được cấp “thẻ xanh” có thời hạn ba năm, sau đó gia hạn thêm ba năm nữa được bảo lãnh cho 10 người đi cùng. Sau ba năm làm ăn, chính quyền Mỹ sẽ xem xét lại tình hình kinh doanh và gia hạn thêm.
Thông thường cá nhân người Việt thường góp vốn, cổ phần với công dân Mỹ (gốc Việt), thường là bà con, lập công ty kinh doanh hoặc bất động sản ở Mỹ, dùng giấy phép của liên doanh này để chuyển tiền sang Mỹ.
Thứ ba: sẽ có đường dây chuyển tiền sang Mỹ không chính thức với phí vài phần trăm hoặc ít hơn tùy nơi.
Theo TTO