Thứ Tư, 23 tháng 5, 2012

Trung Quốc: chuyển mâu thuẫn nội bộ ra bên ngoài?

TT - Trung Quốc như đang thổi bùng căng thẳng tranh chấp lãnh hải với các nước láng giềng cũng như kích động chủ nghĩa bài ngoại nhằm đánh lạc hướng dư luận khỏi những vấn đề trong nước.

Một tàu cá Trung Quốc bị tàu tuần tra biển Nhật bắt giữ - Ảnh: Kyodo


Trong thời gian qua, nền kinh tế Trung Quốc có xu hướng tăng trưởng chậm lại. GDP của Trung Quốc sẽ tăng 8,2% năm 2012, thua xa mức 10,4% năm 2010, như cảnh báo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB). Trong khi đó hàng loạt chấn động chính trị lại liên tiếp xảy ra như vụ Vương Lập Quân, vụ Bạc Hi Lai, vụ thư ngỏ của 16 đảng viên lão thành yêu cầu sa thải ủy viên Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang, vụ luật sư khiếm thị Trần Quang Thành sang Mỹ...

Trong tình thế này, Bắc Kinh như đang cho thấy một chính sách “chuyển lửa” ra bên ngoài để lôi kéo sự chú ý của dư luận hướng vào những vấn đề bên ngoài. Một mặt, Trung Quốc tỏ ra cứng rắn khi khẳng định chủ quyền trên biển Đông và biển Hoa Đông. Trong những ngày qua, báo chí Trung Quốc liên tục kêu gọi chính phủ mở cuộc chiến tranh để “trừng trị” Philippines. Mặt khác, phụ họa cho mặt trận này là một làn sóng bài ngoại ở trong nước đang mỗi lúc mỗi lan rộng.

Gây hấn trên biển

Ngày 23-5, Tân Hoa xã dẫn nguồn từ báo Sankei cho biết các lực lượng phòng vệ “hải lục không quân” của Nhật đã phối hợp thực hiện kế hoạch tác chiến liên hoàn chiếm đảo Điếu Ngư (Nhật gọi là Senkaku). Hãng tin này cáo buộc Tokyo “dùng thủ đoạn phi pháp” để chiếm phần lãnh thổ của Trung Quốc và “đổ vấy” cho Trung Quốc muốn dùng vũ lực để cướp quần đảo này.

Giới chuyên gia quốc tế cho rằng chính Bắc Kinh đang cố ý gây căng thẳng trên biển. Theo Kyodo, chỉ tính từ đầu năm 2012 đến nay, các tàu ngư chính của Trung Quốc đã xuất hiện ở vùng biển gần đảo Senkaku đến bốn lần. Lần gần nhất là ngày 2-5 khi lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật phát hiện tàu ngư chính 203 và 204 di chuyển vào vùng biển tiếp giáp đảo tranh chấp Senkaku.

Phía đông gây với Nhật, phía nam Trung Quốc “hầm hè” với Philippines. Báo Philippine Star ngày 23-5 dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez cho biết Bắc Kinh đã điều thêm tàu đến bãi cạn Scarborough. Tính đến nay đã có gần 100 tàu của Trung Quốc đang vây kín bãi cạn này. Một số tàu vẫn ngang nhiên đánh bắt cá dù chính Trung Quốc đã đưa ra lệnh cấm ở khu vực này.

“Thật đáng tiếc những hành động này lại xảy ra cùng lúc với việc Trung Quốc tuyên bố công khai là muốn giảm căng thẳng” - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines chỉ trích và yêu cầu Trung Quốc lập tức rút tàu thuyền khỏi bãi cạn Scarborough.

Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc vẫn tiếp tục giọng điệu hiếu chiến. Thời Báo Hoàn Cầu mới đây lại kêu gọi tấn công Philippines. Trước đó, rất nhiều tờ báo và hãng tin Trung Quốc đã đe dọa “pháo sẽ nổ” trên biển Đông.

Làn sóng bài ngoại

Phụ họa cho sự gây hấn trên biển là một làn sóng bài ngoại trong nước. Làn sóng này xuất hiện sau khi mạng Youku đăng đoạn clip cho thấy một người đàn ông Anh quấy rối một phụ nữ Trung Quốc trên đường phố Bắc Kinh.

Tân Hoa xã cho biết từ ngày 15-5, Sở An ninh Bắc Kinh đã triển khai chiến dịch 100 ngày trừng trị những người nước ngoài phạm pháp ở thủ đô. Chính quyền Bắc Kinh tuyên bố chiến dịch này kéo dài đến tháng 8-2012 sẽ quét sạch những người nước ngoài nhập cư, sống và làm việc bất hợp pháp ở Trung Quốc.

Trên các trang mạng lớn của Trung Quốc như Nhân Dân Nhật Báo, Tân Hoa xã... đã xuất hiện những ngôn từ bài ngoại mạnh mẽ. Trang tìm kiếm Baidu và mạng Weibo mở chiến dịch kêu gọi người sử dụng Internet tố cáo những hành vi xấu của người nước ngoài ở Trung Quốc. “Những kẻ bỉ ổi ngoại quốc nên trở về đất nước của mình. Trung Quốc không là nơi cho chúng mày làm mọi việc mình muốn” - một blogger viết trên Weibo.

Phát thanh viên nổi tiếng của kênh CCTV9 Dương Nhuệ cũng kịch liệt công kích. “Hãy cắt đầu những kẻ bỉ ổi ngoại quốc, chúng không thể tìm việc ở Mỹ và châu Âu nên đã đến Trung Quốc gom tiền của chúng ta” - ông này viết trên blog, và còn mô tả nhiều người nước ngoài là “gián điệp”, “làm tình báo cho Nhật, Hàn Quốc và phương Tây”.

Giới chuyên gia nước ngoài cho rằng Bắc Kinh đang phải chật vật giải quyết những căng thẳng xã hội và đối phó với tình trạng kinh tế tăng trưởng chậm lại. “Nếu năm nay mọi thứ thuận buồm xuôi gió thì tình hình ở Trung Quốc không nhạy cảm đến thế - AP dẫn lời giáo sư Đại học Thanh Hoa Patrick Chovanec bình luận - Bắc Kinh đang chật vật với những căng thẳng xã hội của mình”.

Chuyên gia Đại học California Jeremiah Jenne cho rằng Trung Quốc đang muốn thổi bùng chủ nghĩa dân tộc cực đoan để lái sự chú ý của dư luận khỏi những vấn đề khó khăn trong nước hiện nay. “Đây là thời điểm nhạy cảm ở Trung Quốc do quá trình chuyển giao chính trị - nhà phân tích James McGregor thuộc Hãng tư vấn APCO Worldwide cho biết - Trung Quốc đang sử dụng chiêu bài đổ tội cho các thế lực bên ngoài khi bất ổn xảy ra”.

MỸ LOAN

Thứ Tư, 9 tháng 5, 2012

Ngăn chặn 13 tấn thịt thối tuồn vào TPHCM

Cơ quan chức năng đang truy tìm nguồn gốc đường dây vận chuyển, tiêu thụ. Nếu số thịt bẩn đã bị nhiễm khuẩn này tuồn vào TPHCM trót lọt sẽ gây ra hậu quả khôn lường.
Lúc 4 giờ 40 phút, ngày 9-5, Trạm Kiểm dịch Động vật Thủ Đức kết hợp với CSGT Rạch Chiếc đã phát hiện và bắt giữ 13 tấn thịt thối do tài xế Trần Văn Chính (SN 1983, quê Nam Định) vận chuyển trên xe tải từ Hà Nội vào TPHCM.
Tráo giấy kiểm dịch để qua mặt
Trong số 13 tấn thịt thối nói trên có 10 tấn chân gà và 3 tấn vú heo, dán tem in bằng chữ Trung Quốc, một số bằng tiếng Anh, đang trong giai đoạn phân hủy, chuyển màu, bốc mùi hôi thối. Theo nhận định của một số cán bộ thú y, số lượng thịt thối trên có thể đã qua thuốc khử mùi và chất bảo quản để qua mặt lực lượng chức năng.
Kiểm tra 13 tấn thịt thối được phát hiện sáng 9-5. Ảnh: Thành Đồng
Tại trạm kiểm dịch, tài xế Chính xuất trình giấy kiểm dịch, giấy chứng minh nguồn gốc của lô hàng. Tuy nhiên, cơ quan chức năng phát hiện giấy kiểm dịch không phải của lô hàng gồm 13 tấn chân gà và vú heo nói trên mà là của một lô hàng khác, ghi rõ trọng lượng 9.120 kg, số kiểm dịch 014606, cấp cho chủ hàng là Bùi Tiến Đạt, người nhận là Công ty TNHH Thực phẩm Sáng Ngọc (TPHCM). Ngay sau đó, tài xế Chính thừa nhận giấy kiểm dịch do một người khác đưa cho để qua các trạm kiểm dịch.
Theo bản tường trình của tài xế Chính, 13 tấn thịt thối được vận chuyển từ Hà Nội vào TPHCM để tiêu thụ. Tài xế này nói không biết nguồn gốc và địa điểm nhận hàng, khi xe đến Bến xe quận Thủ Đức hoặc Bến xe An Sương sẽ có người gọi điện ra lấy để đưa đi tiêu thụ. Tuy nhiên, theo cơ quan chức năng, một người tên Cao Chí Đông đã thừa nhận là chủ của lô hàng 10 tấn chân gà thối, nếu trót lọt sẽ đưa về một địa chỉ ở phường 8, quận Tân Bình - TPHCM để tiêu thụ.
Hiện các cơ quan chức năng đang điều tra làm rõ xuất xứ, nguồn gốc của lô hàng. Theo nhận định ban đầu của một cán bộ thú y TPHCM, xe tải mang biển số 15C-02489 do Trần Văn Chính điều khiển chở 13 tấn thịt thối nói trên và chiếc xe chở 2,2 tấn thịt thối bị phát hiện mới đây ở Đồng Nai thuộc một chủ xe tên là Ngọc Hoàng.
Sẽ truy tới cùng
Theo nhận định của các cơ quan chức năng, đây là vụ vận chuyển gia súc, gia cầm lậu đông lạnh lớn nhất từ trước đến nay được phát hiện. Câu hỏi đặt ra là vì sao đi một quãng đường dài từ Hà Nội, trước khi vào cửa ngõ TPHCM, chiếc xe vận chuyển thịt thối này vẫn không bị phát hiện?
Ông Lê Trường Hải, Chánh Thanh tra Chi cục Thú y TPHCM, cho biết vụ việc đã được bàn giao cho đoàn liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm quận Thủ Đức để tiếp tục điều tra xử lý. “Đây là vụ việc nghiêm trọng ngoài tầm của cơ quan thú y. Đoàn liên ngành có nhiều cơ quan chức năng mới có đủ thẩm quyền để điều tra xử lý” - ông Hải nói. Trước mắt, toàn bộ số hàng trên đều được niêm phong giữ lại ở kho lạnh để cơ quan chức năng tiếp tục điều tra.
Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM, cũng cho biết vụ việc cũng được chuyển giao cho cơ quản lý thị trường để tiếp tục truy tìm nguồn gốc; xem nó có phải là hàng nhập khẩu hay không. Nếu là hàng nhập thì từ đâu ra, đường dây tiêu thụ cũng phải được làm rõ.
Theo ông Trảo An Hà, Trưởng Trạm Thú y quận Thủ Đức, số chân gà, vú heo chắc chắn đều bị nhiễm khuẩn Salmonela, E.Coli, nếu nguồn hàng này lọt ra thị trường sẽ gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Có thể là hàng tạm nhập tái xuất
Giới kinh doanh thịt đông lạnh nhập khẩu cho rằng 13 tấn thịt thối được phát hiện có khả năng là hàng thuộc dạng tạm nhập tái xuất, tập kết về cảng Hải Phòng để tái xuất sang Trung Quốc nên mới có cả chữ Trung Quốc trên bao bì.
Chủ một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu thịt đông lạnh tại TPHCM cho biết hàng tạm nhập tái xuất khi đưa lên Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh để xuất sang Trung Quốc sẽ có một số container quay lại, tuồn vào nội địa với giá rẻ hơn đến 60% so với hàng nhập khẩu. Ngoài ra, ở Quảng Ninh có gần cả chục nhà máy chuyên làm hàng gia công cho Trung Quốc. Những nhà máy này được phép lấy hàng thuộc dạng tạm nhập tái xuất từ cảng mang về nhà máy để sơ chế, đóng gói lại trước khi xuất sang Trung Quốc, sau đó vòng trở lại Việt Nam.
Nguyễn Hải - Thành Đồng

Thứ Ba, 8 tháng 5, 2012

Những biểu tượng quyền lực của tổng thống Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua có lễ nhậm chức tại điện Kremlin cùng với việc nhận lại tất cả những biểu tượng quyền lực quen thuộc.
> Putin nhậm chức tổng thống Nga
> Putin tiếp quản 'vali hạt nhân' huyền thoại


Biểu tượng đầu tiên là huy hiệu tổng thống Nga. Trung tâm của chiếc huy hiệu là một hình chữ thập đỏ có các cánh đều nhau được gắn hình đại bàng hai đầu bằng vàng - quốc huy của nước Nga. Ở mặt sau của chữ thập đỏ có dòng chữ "Lợi ích, Danh dự và Vinh quang" được xếp theo một vòng tròn. Một vòng nguyệt quế bằng vàng được dùng để nối chữ thập đỏ với vòng dây bằng vàng gồm 17 phần, trong đó 9 phần mang hình quốc huy của nước Nga, 8 phần còn lại là các phù hiệu mang cùng dòng chữ giống như mặt sau của chữ thập đỏ.
Huy hiệu tổng thống được đặt tại điện Kremlin, nơi làm việc của tổng thống Nga. Nó chỉ được dùng trong những dịp nhất định. Ảnh: Wikipedia

Cờ tổng thống Nga là một phiên bản của quốc kỳ Nga. Ở vị trí trung tâm của lá cờ này là quốc huy của nước Nga. Cờ tổng thống Nga được đặt tại văn phòng ở điện Kremlin, các cơ quan nhà nước khác, cũng như trên xe khi tổng thống di chuyển trên lãnh thổ Nga. Một phiên bản với tỷ lệ bằng 2/3 lá cờ gốc được dùng khi tổng thống Nga đi trên biển. Cờ tổng thống là biểu tượng được sử dụng nhiều nhất để thể hiện sự hiện diện của tổng thống Nga. Ảnh: Wikipedia

Video: Nghi thức rước quốc kỳ và Hiến pháp Nga

Bản Hiến pháp Nga đặc biệt mang bìa đỏ với dòng chữ vàng được sử dụng trong lễ nhậm chức của tổng thống Nga. Một hình quốc huy màu bạc của nước Nga cũng được đặt trên lớp bìa đỏ. Ông chủ điện Kremlin đặt tay phải lên cuốn Hiến pháp và tuyên thệ nhậm chức. Bản đặc biệt của Hiến pháp Liên bang Nga được giữ trong Thư viện Tổng thống. Ảnh: Wikipedia

Binh sĩ Nga thực hiện nghi thức rước huy hiệu tổng thống và Hiến pháp Nga tại lễ nhậm chức của Tổng thống Putin ở điện Kremlin hôm qua. Ảnh: AFP

Quốc kỳ Nga và cờ tổng thống cũng được đưa tới điện Kremlin ở thủ đô Moscow trong lễ nhậm chức của ông Putin. Ảnh: AFP

Tổng thống Putin đặt tay phải lên cuốn Hiến pháp Nga và tuyên thệ nhậm chức trong nhiệm kỳ thứ ba là ông chủ điện Kremlin. Bên tay trái của ông là huy hiệu tổng thống. Ảnh: AFP

Một trong những biểu tượng quyền lực nổi tiếng nhất của tổng thống Nga là chiếc cặp hạt nhân. Nó chứa mã kích hoạt kho vũ khí hạt nhân của nước Nga để phát động một cuộc tấn công hạt nhân vào đối phương. Trong ảnh là chiếc cặp hạt nhân của tổng thống Nga vào năm 1999. Ảnh: ITV

Ô
Ông Putin trong lần nhận chiếc cặp hạt nhân trước đây. Ảnh: BBC

Chiếc chuyên cơ Ilyushin Il-96-300PU, một trong những máy bay của tổng thống Nga, hạ cánh xuống sân bay quốc tế Vnukovo ở thủ đô Moscow. Ngoài chiếc chuyên cơ này, tổng thống Nga còn có 6 loại máy bay khác với tầm hoạt động đa dạng. Ảnh: Wikipedia

Nhật Nam

Chủ Nhật, 6 tháng 5, 2012

29.000 tỉ đồng cứu doanh nghiệp: Liều thuốc chưa đủ mạnh

Các chuyên gia kinh tế cho rằng điều quan trọng lúc này là cần phải triển khai các giải pháp đồng bộ, trong đó cần kích cầu tiêu dùng, giúp doanh nghiệp giải quyết hàng tồn.
Sức mua yếu khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: Hồng Thúy
Gói hỗ trợ 29.000 tỉ đồng tung ra trong giai đoạn này sẽ có tác dụng cơ bản tháo gỡ khó khăn trước mắt cho doanh nghiệp (DN). Đây là cố gắng lớn của các cơ quan tham mưu của Chính phủ. Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế cho rằng nếu chỉ đặt trọng tâm vào các giải pháp thuế không khác nào kê đơn thuốc chưa đủ liều để trị bệnh...
“Có lợi nhuận đâu mà nộp thuế”
TS Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, đánh giá miễn, giảm, dãn, hoãn thuế là giải pháp không mới, đã được liên tục thực hiện từ năm 2009 đến nay. Xét về quy mô thì gói hỗ trợ năm nay lớn hơn, lên đến 29.000 tỉ đồng, trong khi năm 2009 có giá trị tài chính khoảng 20.000 tỉ đồng. Cả đối tượng được hỗ trợ cũng như sắc thuế được miễn, giảm, dãn, hoãn cũng đã mở rộng hơn. Ví dụ, trước đây, đối tượng thụ hưởng chỉ là DN sản xuất thì nay đã áp dụng với cả DN hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Về sắc thuế, lần này đã mở rộng dãn, giảm thuế GTGT, tiền thuê đất. Như vậy, số tiền hàng chục ngàn tỉ đồng lẽ ra phải nộp thuế thì nhờ có chính sách hỗ trợ này, DN được để lại tái đầu tư phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, cũng theo TS Cao Sỹ Kiêm, chính sách này chỉ có tác dụng đối với những DN có lợi nhuận, còn hàng trăm ngàn DN đang “sắp chết” hầu như không được hưởng lợi từ chính sách này. Vì không có lợi nhuận thì không phải nộp thuế thu nhập DN nên không được giảm 30% thuế này trong năm 2012. Trong khi đó, thuế GTGT chỉ được dãn trong 6 tháng chứ không được miễn. Như vậy, xét về quy mô thì gói hỗ trợ thuế lần này lớn hơn năm 2009 nhưng tác dụng chưa chắc đã hơn vì hiện nay, “sức khỏe” của DN đã xấu hơn so với năm 2009. “Nhiều DN có lợi nhuận đâu mà cần giảm thuế. Điều quan trọng lúc này là cần phải triển khai các giải pháp đồng bộ hơn” - TS Cao Sỹ Kiêm chia sẻ nguyện vọng của các DN nhỏ và vừa.
Về phía cơ quan quản lý, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Đặng Tiến Đông cho rằng số lượng DN phá sản từ cuối năm ngoái và đầu năm nay có tăng lên so với bình thường do kinh tế khó khăn nhưng “không phải ở mức độ đáng lo ngại”. Hiện nay, nhiều DN đã đình trệ sản xuất nhưng không phải tất cả các DN đều rơi vào tình trạng đó. Trong số 450.000 DN đang hoạt động, mỗi DN có một đặc thù, tình huống riêng, Chính phủ chỉ có thể đưa ra chính sách chung, ảnh hưởng đến số đông, không thể có chính sách cho từng nhóm cụ thể. Do đó, phải chấp nhận có những DN không được cứu.
Rất cần kích cầu tiêu dùng
Nhiều chuyên gia kinh tế đều có chung quan điểm giải pháp hàng đầu hiện nay là phải kích cầu tiêu dùng, giúp DN giảm hàng tồn kho, thông qua tăng thu nhập cho người dân và giảm giá sản phẩm.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, đánh giá từ năm 2010 đến nay, sức mua đã giảm mạnh và hiện đang ở mức yếu do lạm phát kéo dài. “Phi thương bất hoạt”, nếu không kích được cầu tiêu dùng, các giải pháp khác sẽ không có ý nghĩa. Lúc này rất cần giảm thuế thu nhập cá nhân, mở rộng cho vay tiêu dùng và quan trọng là không để có thêm nhiều DN phá sản để người dân có thu nhập, tạo sức mua. Sức mua cũng có thể tăng lên khi giảm giá nên DN cần chủ động giảm lợi nhuận, Nhà nước cần giảm thuế gián thu để giúp DN giảm giá thành.
TS Cao Sỹ Kiêm cũng cho rằng kích cầu tiêu dùng đang là vấn đề rất cấp thiết. Gói hỗ trợ lần này đã tính đến kích cầu tiêu dùng đối với các sản phẩm tồn kho lớn như sắt thép, xi măng để khơi thông sự luân chuyển hàng hóa, thu hồi vốn cho DN. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cho phép sử dụng kinh phí tạm dừng mua sắm của năm 2011 sang năm 2012 nhưng cần phải có các giải pháp mạnh mẽ hơn để kích cầu tiêu dùng trên diện rộng. Đó là giải pháp đồng bộ từ giảm mạnh lãi suất cho vay, quản lý tốt đến không để giá cả hàng hóa tăng cao làm hạn chế chi tiêu, giảm chi phí DN…
Theo NLD

Thứ Tư, 2 tháng 5, 2012

Bí quyết được trả lương cao nhất của TGĐ điều hành Microsoft

Luôn có những ý tưởng và quyết tâm biến nó trở thành hiện thực, đó bí quyết thành công của Tổng giám đốc điều hành (COO) Tập đoàn Microsoft Kevin Turner.
Trước khi gia nhập Microsoft, Kevin Turner đã từng có 20 năm làm việc tại tập đoàn Wal-Mart, nơi ông khởi nghiệp với vị trí nhân viên thu ngân khi còn là một sinh viên. Kevin Turner tốt nghiệp đại học East Central tại Ada, Okla vào năm 1987 với bằng cử nhân Khoa học Quản lý nơi ông được vinh danh "Cựu sinh viên danh dự" vào năm 2003.
Với khả năng, nỗ lực của bản thân, sau khi tốt nghiệp đại học, ông đã giữ rất nhiều vị trí lãnh đạo tại Wal-Mart, mà gần nhất là Chủ tịch và Tổng giám đốc SAM’S CLUB, với hơn 46 triệu hội viên và đạt doanh thu hơn 37,1 tỉ USD hàng năm.
Kevin Turner đã làm việc 13 năm tại bộ phận CNTT của Wal-Mart, nơi ông đạt chức vụ cao nhất là Phó chủ tịch điều hành và Giám đốc phụ trách mảng CNTT, giám sát toàn bộ hoạt động của hệ thống CNTT của tập đoàn này trên toàn cầu.
Vào năm 1995, khi chỉ mới bước qua tuổi 29, Kevin Turner đã trở thành lãnh đạo tập đoàn trẻ nhất trong lịch sử Wal-Mart. Và vào năm 1997, khi chịu trách nhiệm toàn cầu về mảng Hỗ trợ và Phát triển ứng dụng tại Wal-Mart, ông được trao giải thưởng “Sam M. Walton - Doanh nhân của năm”. Đây là giải thưởng cao quý nhất của Wal-Mart và được trao bởi dòng họ Walton.
Còn giờ, khi giữ chức vụ Tổng giám đốc điều hành của tập đoàn Microsoft, ông Kevin Turner chịu trách nhiệm lãnh đạo về mặt chiến lược và hoạt động của các mảng bán hàng, marketing và tổ chức dịch vụ của Microsoft trên toàn cầu.
Là Tổng giám đốc điều hành của tập đoàn Microsoft, ông Kevin Turner chịu trách nhiệm lãnh đạo về mặt chiến lược và hoạt động của các mảng bán hàng, marketing và tổ chức dịch vụ của Microsoft trên toàn cầu.
Ông lãnh đạo một đội ngũ gồm hơn 45.000 nhân viên, bao gồm các chuyên gia trong lĩnh vực bán hàng và marketing, những người giúp đem về hơn 69 tỉ USD doanh thu cho tập đoàn vào năm 2011.
Không chỉ thúc đẩy các chương trình bán hàng và marketing, ông còn quản lý tổ chức hoạt động bán quảng cáo trực tuyến và hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm các sản phẩm và dịch vụ hỗ trợ khách hàng, phát triển thương hiệu, quảng cáo, quan hệ công chúng, nghiêncứu thị trường và marketing mối quan hệ. Ông cũng chịu trách nhiệm giám sát các hoạt động của tập đoàn và mảng CNTT nội bộ, hỗ trợ hoạt động của hơn 90.000 nhân viên trên khắp thế giới.
Năm 2009, ông là người đi đầu trong việc thiết lập chuỗi cửa hàng bán lẻ của Microsoft và chịu trách nhiệm trên toàn cầu đối với hoạt động kinh doanh mới này. Cùng với Tổng giám đốc Steve Ballmer và các lãnh đạo cấp cao khác của tập đoàn, ông vạch ra phương hướng và chiến lược hoạt động tổng thể của Microsoft.
Ông Turner cũng từng nhận được nhiều giải thưởng danh giá khác như: “Doanh nhân toàn cầu đáng ngưỡng mộ” do tạp chí Time bình chọn, đứng thứ 4 trong “Top 10 nhân vật dưới 40 tuổi có ảnh hưởng nhất” trên tạp chí Fortune, “20 doanh nhân trẻ bạn cần biết’ của tạp chí Business 2.0, ‘Top 20 giải thưởng Vision”, “Top 100 CIO”.
Vào năm 2007, ông được vinh danh là với giải thưởng “CIO Hall of Fame” trên tạp chí CIO, cũng như đứng thứ 5 trong “Top 25 lãnh đạo sáng tạo nhất thế giới”. Ngoài ra, ông còn nằm trong hội đồng quản trị của tập đoàn Nordstrom.
Năm tài khóa 2011, Kevin Turner là người nhận lương cao nhất ở Microsoft với tổng số tiền lên đến 9,3 triệu USD (bao gồm lương 732.500 USD, thưởng 1,9 triệu USD và cổ phiếu giá trị 6,6 triệu USD). Hơn xa so với CEO Steve Ballmer, ông này chỉ nhận được 1,4 triệu USD.
Theo Hiền Mai
VnMedia