Nếu trong vòng một năm tới mà tình hình vốn cho vay không được đẩy mạnh, còn căn hộ cũng không làm cách nào "đẩy" được, các ngân hàng liệu có phá sản như cái chết hiện hữu của doanh nghiệp?
Gậy ông đập lưng ông!
Vào những ngày cuối tháng 4/2012, Ngân hàng Nhà nước lại phải ban hành một văn bản nữa - số 2506, yêu cầu các tổ chức tín dụng xem xét điều chỉnh lãi suất cho vay của các hợp đồng tín dụng theo mức lãi suất cho vay hiện hành. Như vậy, đây là công văn thứ hai liên tiếp trong vòng hơn một tháng, nếu tính cả văn bản số 1656 cũng của cơ quan này ban hành vào ngày 22/3/2012, yêu cầu 5 ngân hàng Agribank, Vietinbank, Vietcombank, BIDV và MHB tiết giảm chi phí và hạ lãi suất cho vay.
Vì sao NHNN lại có động thái chỉ đạo giảm lãi suất cho vay gấp gáp như thế, trong khi trước đó cơ quan này đã hai lần liên tiếp hạ trần lãi suất huy động từ 14% về 12%?
Hai tuần sau khi trần lãi suất huy động được chính thức kéo giảm, đã có những xác nhận về tình hình ứ đọng vốn trong ngân hàng vẫn chưa có gì được cải thiện. Dù lãi suất huy động giảm và kéo theo mặt bằng lãi suất cho vay "ưu đãi" tại một số ngân hàng lớn như BIDV, Vietinbank, Eximbank, kể cả những ngân hàng loại vừa như An Bình và SeaBank giảm theo, nhưng lãi suất cho vay nhìn chung vẫn còn treo ở vùng khá cao - từ 18-19%, khiến cho ngay cả các doanh nghiệp trong diện "ưu tiên" như nông nghiệp, xuất khẩu và sản xuất cũng "không làm cách nào tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng" - như một xác nhận của Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam.
Tại TP.HCM, lần đầu tiên một con số được chính thức công bố: trong quý I/2012, chỉ có 23% số doanh nghiệp vay được vốn ngân hàng, còn lại 77% vẫn thúc thủ thịu phép. Chưa kể đến việc 23% doanh nghiệp kia vay được nhiều hay thậm chí chỉ một phần nhỏ nhu cầu vay vốn của họ, rõ ràng cán cân cung - cầu tín dụng giữa hệ thống ngân hàng và khối doanh nghiệp vẫn bị lệch pha trầm trọng. Đó cũng là lý do vì sao kinh tế quý I/2012 gần như tăng trưởng âm, còn các doanh nghiệp vẫn nằm nguyên trong tình trạng "lâm sàng".
Cũng từ năm 2011 đến nay, chưa bao giờ các ngân hàng lại phải "rền rĩ" như thời gian gần đây. Đầu tiên là ngân hàng ACB khi đưa ra một con số không thiếu tính thuyết phục: 3 tỷ USD nằm "chết" trong ngân hàng này mà không cho vay được. Sau đó, đến lượt một số ngân hàng khác cũng phụ họa. Lãnh đạo của ACB và ngân hàng Liên Việt còn nói thẳng rằng đã đến lúc phải cứu doanh nghiệp, vì nếu doanh nghiệp chết thì ngân hàng cũng chết theo.
Có thể hiểu nỗi bĩ cực của các ngân hàng hiện thời là như thế nào. Tình thế khó khăn về tiêu thụ vốn mà trước đây các ngân hàng đồng lòng giữ gìn như một thông tin "tuyệt mật", nay đang dần lộ ra một cách tự nguyện. Nếu tính từ thời điểm tháng 9/2011 - là lúc mà NHNN siết lại trần lãi suất về 14%, thời gian đã trôi qua 8 tháng, gây ra một sự lãng phí ghê gớm đối với số vốn nằm chết trong hệ thống ngân hàng.
Cũng bởi vậy, chính BIDV là ngân hàng đầu tiên thẳng thắn thừa nhận rằng ngân hàng này sẽ phải chấp nhận hạ lãi suất cho vay, cho dù có vì thế mà lợi nhuận năm 2012 sẽ bị giảm khoảng 1.200 tỷ đồng.
Rõ là nước đã ngập sát chân, mỗi ngân hàng phải tự tìm cách "nhảy", mà còn phải "nhảy" thật nhanh để khỏi bị chết chìm.
Sẽ chết cùng doanh nghiệp?
Không chỉ bị gò ép bởi khối vốn tồn đọng có thể lên đến vài trăm ngàn tỷ đồng, các ngân hàng còn mang trong lòng một nỗi lo canh cánh khác: làm sao tiêu thụ được khối bất động sản mà ngân hàng, qua quá trình thâu tóm và siết nợ, vô hình trung đã trở thành kẻ nhận lãnh hậu quả cuối cùng.
Cái chết của doanh nghiệp BĐS đã là một lẽ, nhưng với ngân hàng thì không sung sướng gì hơn. Không phải ngẫu nhiên mà mới đây, đã có thông tin tiết phát về một số ngân hàng lớn như Vietcombank, ACB, Vietinbank, BIDV và lẽ dĩ nhiên cả một số ngân hàng nhỏ như Phương Tây, Bảo Việt... , đang phải gánh một khối tài sản BĐS lớn trên vai, nhưng không làm sao tiêu thụ được.
Trong số tài sản đã thuộc về ngân hàng, hai phân khúc đất nền và căn hộ có thể chiếm vị trí chủ đạo. Nhưng nếu đất nền vẫn có thuận lợi nhất định trong thói quen tiêu dùng và mua bán của người dân, thì phân khúc căn hộ lại nằm trong thế hoàn toàn bế tắc. Tài sản mà các ngân hàng sở hữu hiện nay lại đa phần là loại căn hộ trung cấp và căn hộ cao cấp.
Sẽ không thể xác quyết rằng việc tiêu thụ phân khúc căn hộ trung - cao cấp của ngân hàng là dễ dàng, một khi chính các doanh nghiệp BĐS, dù đã phải thực hiện quá nhiều chiêu khuyến mãi từ nhiều tháng qua, nhưng tình hình bán hàng vẫn không khả quan hơn chút nào. "Đại gia" Hoàng Anh Gia Lai là một ví dụ điển hình.
Sự khác biệt có lẽ chỉ đến từ hiện trạng những ngân hàng nào nắm căn hộ ở Hà Nội và ngân hàng nào có căn hộ ở TP.HCM. Hai thành phố này có đặc điểm khác nhau cơ bản là mặt bằng giá căn hộ của TP.HCM chỉ bằng khoảng một nửa đến 2/3 giá căn hộ ở Hà Nội. Cho dù vẫn có nhiều thông tin cho rằng nhu cầu nhà ở tại Hà Nội còn rất lớn, nhưng thực tế nguồn cung lại vẫn tuôn ra ồ ạt. So với năm 2009, hiện thời lượng căn hộ trung - cao cấp ở Hà Nội phải gấp ít nhất 3 lần. Đó là chưa kể đến số dự án căn hộ sẽ được các chủ đầu tư tung ra trong những năm tới.
Vào tháng 3/2012, một quan chức của Bộ Xây dựng - ông Nguyễn Trần Nam, đã lên tiếng "đính chính" về việc chủ trương của Nhà nước mua lại nhà chung cư sẽ nhằm giải cứu cho ngân hàng chứ không phải cho doanh nghiệp BĐS. Bình luận này cho thấy có thể một phần lớn phân khúc căn hộ đang lưu thông hiện hành là thuộc về sở hữu của ngành ngân hàng. Và chính ngân hàng mới là đối tượng phải mất ăn mất ngủ nếu đến cuối năm nay và cả năm 2013 số căn hộ tồn đọng không tiêu thụ được.
Khách quan nhận xét, hai yếu tố tồn vốn và tồn BĐS đang làm cho ngân hàng tái hiện thế khó khăn của khối doanh nghiệp vào thời điểm giữa năm 2011. Mà từ giữa năm 2011 đến nay, con số doanh nghiệp phải giải thể đã lên đến 80.000, chỉ tính theo số thống kê chính thức.
Nếu trong vòng một năm tới mà tình hình vốn cho vay không được đẩy mạnh, còn căn hộ cũng không làm cách nào "đẩy" được, các ngân hàng liệu có phá sản như cái chết hiện hữu của doanh nghiệp?
Theo VEF
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét