Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2012

Chiêu lừa ở cổng viện lớn nhất Hà Nội

Hàng trăm bệnh nhân đến khám tại BV Bạch Mai và Tai Mũi Họng Trung ương (ở Hà Nội) bị một nhóm đàn ông ở cổng viện "lùa" sang phòng mạch tư bên kia đường rồi "chặt chém", với chiêu bệnh viện đang sửa nên không làm việc.


Tình trạng này xảy ra nhiều ngày qua. Một độc giả VNE là nạn nhân chiêu lừa, phản ánh: “Hôm 9/7 amidan của mình lại sưng tấy. Mình vừa đến cổng bệnh viện Bạch Mai đã có ông đội mũ cối ở cổng (hình như bảo vệ) giơ tay ra và nói: 'Dừng lại, không cho xe vào bệnh viện được. Em đi khám có bảo hiểm y tế không?' Vì muốn nhanh nên mình lắc đầu, ông liền bảo sang bên kia đường số 187 Giải phóng. Bên này đang sửa nên chuyển địa điểm sang đấy rồi”.
Đi đến cổng BV Tai Mũi Họng, bạn đọc này cũng nhận chỉ dẫn như vậy, đành sang phòng khám bên đường. Sau khi đóng tiền, được bác sĩ hỏi han qua loa rồi ghi cho 3 phiếu xét nghiệm, anh mới tá hỏa phát hiện đây là cơ sở khám tư.
“Tức thật, sống hơn chục năm ở Hà Nội, cũng đi đây đó nhiều mà hôm nay bị lừa, may mà tỉnh táo chỉ mất 30.000 đồng và một tiếng đồng hồ vô ích”, anh bức xúc cho biết.

Người đàn ông mặc áo xanh, đội mũ cối trước cổng bệnh viện Bạch Mai và Tai Mũi Họng trung ương (bắt chước bảo vệ bệnh viện) đứng ở đường lôi kéo bệnh nhân sang phòng khám tư. Ảnh: Phan Dương.
Bệnh viện Bạch Mai nằm gần Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương. Ngày 12/7, ở cổng ra của Bệnh viện Bạch Mai, 4 người đàn ông cao to ra chặn đầu xe của khách, một người chỉ tòa nhà đang xây trong viện nói: “Có nhìn thấy tòa nhà đang xây kia không? Bệnh viện xây sửa nên chuyển hết sang khám ở 187 Giải Phóng bên kia đường”.
Ở cổng BV Tai Mũi Họng Trung ương cũng có tới 5 người đàn ông giống như vậy. Hầu như ai đang chuẩn bị rẽ vào bệnh viện, không kể đi xe máy hay ôtô, thì đều bị nhóm người trên đứng ra chắn đường, hỏi: “Có bảo hiểm không?"
Nếu bệnh nhân trả lời không, những người này lập tức nói: “Bệnh viện chỉ khám bảo hiểm thôi. Em sang 187 Giải phóng, ở đó có bác sĩ Trâm - trưởng khoa uy tín lắm”.
Nhóm cò mồi này hoạt động rất chuyên nghiệp, vận áo xanh, đội mũ cối, thậm chí có người còn thổi còi, đeo phù hiệu y như bảo vệ (chỉ có điều phù hiệu nhét vào túi áo). Họ phối hợp với nhau rất ăn ý, dàn hàng trước cổng bệnh viện, đứng lẫn hoặc cách bảo vệ không xa, đôi khi giả làm “người tốt”, chỉ bảo tận tình đường đi lối lại dễ khiến người bệnh nhầm tưởng đó là bảo vệ "xịn" của bệnh viện.
Các "cò" vô tư lôi kéo bệnh nhân mà không hề nhắc đến cụm từ “phòng khám” hay “tư nhân” trong lời giới thiệu, mặc cho loa phát thanh trước cổng cả hai bệnh viện vẫn liên tục phát đi nội dung cảnh báo.
Chỉ trong một buổi sáng, cả trăm người bệnh đã “sập bẫy”. Một số tỉnh táo phát hiện đây là đám cò mồi liền phóng vụt qua, một số khác biết nhưng cũng rất khó để vượt qua “hàng rào" to, cao chắn trước mặt.


Nhiều bệnh nhân không lọt qua nổi đám cò mồi này để vào bệnh viện, theo sang phòng khám tư. Ảnh: Phan Dương.
Đa phần bệnh nhân đều bị cò "lùa" sang phòng khám 187, 189 Giải Phóng (cùng chủ sở hữu), lác đác cũng có người bị lôi kéo sang phòng khám khác. Ngay khi “con mồi” dính bẫy, lập tức có người theo đuôi cho đến khi đi vào phòng khám.
Tại phòng khám 187, 189 Giải Phóng cũng có vài “cò” đứng trước cửa rao “phòng khám bác sĩ Trâm đây”. Người bệnh vừa bước vào, cô nhân viên trước cửa hỏi han rồi cho sổ khám bệnh, thu 30.000 hay 50.000 đồng tùy loại.
Trong phòng khám ở tầng 1, một người đàn ông luống tuổi tên Thông chịu trách nhiệm khám bệnh. Ông này mặc áo blouse trắng, song không hề đeo biển tên, chức danh. Hễ có ai thắc mắc về bác sĩ Trâm thì ông đều nói: “Bác sĩ Trâm đi vắng. Tôi là phụ trách chính phòng khám này”.
Bệnh nhân báo triệu chứng họng có đờm, ông Thông ghi liền một lúc 4 phiếu xét nghiệm: dịch họng, tai mũi họng, máu, chụp X-quang…, với chi phí tổng cộng 635.000 đồng. Vài bệnh nhân sau đó dù bệnh nặng hay nhẹ, đều được gửi gắm đi làm hàng loạt xét nghiệm như vậy.
Hễ có người phát hiện bị lừa, không khám nữa thì nhân viên trực điện thoại liền gọi báo cho đám “cò”. Ở bên kia đường, một "cò" bắt máy rồi chửi tục "mẹ nó chứ, vào khám rồi mà còn trở ra”.

Cò (áo trắng) bất chấp có mặt bảo vệ bệnh viện Tai Mũi Họng, vẫn "làm việc" với khách. Ảnh: Phan Dương.
Trước thông tin này, PGS Mai Trọng Khoa, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết: “Xây bệnh viện là kế hoạch cho tương lai, tuyệt đối không ảnh hưởng gì đến việc khám chữa bệnh cho bệnh nhân”.
Trao đổi với cán bộ bảo vệ Bệnh viện Bạch Mai, ông Khoa cũng khẳng định những người chèo kéo người bệnh qua phòng mạch tư không phải là nhân viên bệnh viện.
“Ở cổng ra có 4-5 người vốn là xe ôm, họ đứng ngoài lề đường khiến nhiều người đến khám bệnh tưởng là bảo vệ của bệnh viện. Tại cổng chính cũng có khoảng 10 người hoạt động chuyên nghiệp. Rất nhiều năm nay, bệnh viện kiên quyết ngăn chặn nạn cò mồi nên chúng chuyển ra hoạt động bên ngoài khiến cho việc xử lý không xuể. Chúng tôi sẽ phối hợp với công an phường Phương Mai giải quyết nhóm người này”, một cán bộ bảo vệ BV Bạch Mai cho biết.
Phan Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét