Thứ Tư, 15 tháng 8, 2012

Mỹ cảnh báo âm mưu “chia để trị” của Trung Quốc

TT - Chính phủ Mỹ một lần nữa lên tiếng cảnh báo mạnh mẽ về chiến thuật “chia để trị” mà Trung Quốc đang áp dụng với các nước ASEAN để độc chiếm biển Đông.
Tàu thám hiểm đại dương Mỹ USNS Impeccable (phía xa) và tàu cá Trung Quốc trên biển Đông - Ảnh: US Navy

Theo Reuters, ngày 14-8 người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland khẳng định Mỹ mong muốn các nước tranh chấp chủ quyền trên biển Đông cùng đạt được một thỏa thuận đa phương. “Mọi nỗ lực nhằm chia rẽ để xâm chiếm và tạo ra sự cạnh tranh giữa các nước có tranh chấp chủ quyền sẽ không đưa chúng ta đến nơi cần đến” - bà Nuland nhấn mạnh.
Truyền thông Mỹ nhận định dù bà Nuland không nhắc đến Trung Quốc, nhưng đây rõ ràng là lời chỉ trích nhắm vào Bắc Kinh. Bởi trước nay, Trung Quốc luôn khăng khăng đòi đàm phán song phương với từng quốc gia đòi chủ quyền trên biển Đông thay vì tham gia một cơ chế đa phương. Trước đó, giới học giả nhiều nước từng phản đối Bắc Kinh đã cố tình chia rẽ nội bộ ASEAN.
Ai gây căng thẳng?
"Nếu cứ làm càn, cứ tuyên bố vô lối như vậy thì chắc chắn Trung Quốc sẽ trở thành kẻ thù chung của cả thế giới"
Bão Phác Tiên Nhân (Trung Quốc)
Báo Huffing Post dẫn lời một số chuyên gia quan hệ quốc tế bình luận đây là tuyên bố chỉ trích mạnh nhất của Mỹ nhắm vào Trung Quốc kể từ khi Washington phản đối việc Bắc Kinh thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và đưa quân đồn trú tại đây. Các nhà quan sát cũng cho rằng Mỹ muốn phản bác việc truyền thông Trung Quốc ngày 13-8 cáo buộc “một số nước phương Tây” là tác nhân “gây chia rẽ châu Á” và “cản trở sự đoàn kết của các nước ASEAN”.

Về lời cáo buộc này, giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc, qua trao đổi với Tuổi Trẻ cho rằng Trung Quốc muốn ám chỉ chiến lược “tái cân bằng lực lượng” của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương, và đó là một lập luận hoàn toàn vô lý. Bởi lẽ, Bắc Kinh đã gây căng thẳng trên biển Đông từ trước khi Washington công bố kế hoạch “tái cân bằng” và Mỹ vẫn luôn kêu gọi các bên kiềm chế trên biển Đông. Theo giáo sư Thayer, chính Trung Quốc đã viện cớ Mỹ can thiệp để leo thang căng thẳng.
Bộ Ngoại giao Mỹ còn kêu gọi ASEAN và Trung Quốc nhanh chóng hợp tác để thiết lập một bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (COC) và tất cả cùng cam kết tuân thủ nghiêm ngặt bộ quy tắc ứng xử này. “Lý tưởng là ASEAN và Trung Quốc hoàn thành COC trong năm nay” - bà Nuland nhấn mạnh. Bà Nuland cho rằng điều đáng lo ngại là tình trạng căng thẳng đang gia tăng, do đó Mỹ muốn một thỏa thuận “đáp ứng nhu cầu của tất cả các bên”.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon, như báo Korea Herald cho biết, mới đây cũng kêu gọi các bên đòi chủ quyền trên biển Đông và biển Hoa Đông giải quyết tranh chấp bằng đối thoại.
Kẻ thù chung của thế giới
Trên blog của mình ở mạng Sina.com.cn ngày 13-8, học giả Lý Lệnh Hoa, cựu thành viên Trung tâm Tin tức hải dương Trung Quốc, đã đăng tải bài viết của tác giả Bão Phác Tiên Nhân được viết hồi tháng 5-2012. Trong bài viết này, tác giả cảnh báo Trung Quốc sẽ trở thành kẻ thù chung của cả thế giới, bởi việc Trung Quốc biến biển Đông thành “nội hải” của mình là điều cộng đồng quốc tế không thể chấp nhận.
“Về nguyên tắc, tàu thuyền nước ngoài sẽ không được tự do qua lại vùng biển này, nếu muốn phải xin phép Trung Quốc. Nhưng các nước xung quanh liệu có chịu đứng yên hay không? Các cường quốc biển và vận tải biển như Mỹ, Nhật sẽ đồng loạt phản đối. Liệu các nước này có để yên cho Trung Quốc tuyên bố như vậy hay không? Nam Hải (cách Trung Quốc gọi biển Đông) vốn là tuyến hàng hải quốc tế trọng yếu, có hàng ngàn tàu bè qua lại mỗi ngày”.
“Nếu cứ làm càn, cứ tuyên bố vô lối như vậy thì chắc chắn Trung Quốc sẽ trở thành kẻ thù chung của cả thế giới” - tác giả Bão Phác Tiên Nhân kết luận.
SƠN HÀ - MỸ LOAN