Thứ Tư, 20 tháng 6, 2012

Nữ sinh ĐH Hồng Bàng lãnh án tử hình

Nữ sinh viên ĐH Hồng Bàng được nhiều đối tượng nước ngoài thuê vận chuyển ma túy vào Việt Nam với giá hàng ngàn USD. Do hám lợi, nữ sinh này lôi kéo em ruột vào con đường tù tội.
Ngày 20/6, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM đã chấp nhận kháng nghị tăng án của VKSND TPHCM, tăng hình phạt đối với bị cáo Trần Hà Duy (SN 1989, quê Lâm Đồng) từ chung thân lên tử hình về tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy”.
Nữ sinh viên liên tục kêu oan khi được dẫn ra xe tù.
Nữ sinh viên liên tục kêu oan khi được dẫn ra xe tù.
Trước đó, xử sơ thẩm ngày 27/3, TAND TPHCM đã tuyên phạt Trần Hà Duy (23 tuổi, quê Lâm Đồng) tù chung thân và Trần Hạ Tiên (21 tuổi, em ruột Duy) 20 năm tù về tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy”. Sau đó, Duy bị VKSND TPHCM kháng nghị lên tử hình.
Tối 18/7/2011, qua kiểm tra hành lý, Chi cục Hải quan Cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất phát hiện trong đáy va ly của Trần Hạ Tiên, đi trên chuyến bay từ Doha về Việt Nam, có giấu một bao nilon màu đen quấn băng keo, bên trong chứa chất rắn màu trắng dạng tinh thể.
Tổ công tác đã tiến hành lập biên bản, giao Tiên và tang vật cho Cơ quan CSĐT Bộ Công an xử lý. Kết quả giám định cho thấy bọc màu đen trong vali của Tiên là chất Methamphetamin (tiền chất ma túy) trọng lượng 4 kg.
Nghe tin em bị bắt, Duy từ Campuchia về Việt Nam đầu thú và khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội.
Theo đó, năm 2007, trong một lần đi xe buýt, Duy quen với Francis (quốc tịch Kenya) và hai bên trao đổi số điện thoại cho nhau.
Sau đó, Francis gọi điện thoại đề nghị Duy vận chuyển hàng mẫu là quần áo, giày dép cho công ty của y với tiền công mỗi chuyến là 500 USD nếu đi Malaysia và 1.000 USD nếu đi Cotonou, Benin không kể tiền vé máy bay và chi phí khác.Vì ham tiền nên Duy giới thiệu cho em gái mình là Tiên, bạn là Huỳnh Ngọc Lợi cùng tham gia.
Ôm chầm lấy cha ruột lần cuối.
Ôm chầm lấy cha ruột lần cuối.
Tính đến ngày bị bắt, Duy và các đối tượng đã vận chuyển cho Francis 11 lần với 7 chiếc valy và túi xách, bên trong có chứa chất ma túy.
Theo đó, Duy đã thuê Lợi vận chuyển 1 chiếc vali có chứa 3,5 kg chất ma túy từ Cotonou, Benin về Việt Nam và chuẩn bị mang sang Campuchia thì bị bắt giữ. CQĐT đã làm rõ ý thức chủ quan của Lợi là đã kiểm tra vali nhiều lần nhưng không phát hiện gì khả nghi nên chưa đủ cơ sở xử lý hình sự.
Đối với 4 kg chất ma túy Tiên vận chuyển, khi Tiên đến Cotonou, Benin và được một người da đen tên John đón và đưa về khách sạn. Khi John đưa cho Tiên chiếc vali, Tiên kiểm tra phát hiện dưới đáy có chất sờ vào như bột ngọt, biết là ma túy nên lo sợ và nhắn tin cho chị gái.
Tuy nhiên, Duy vẫn cố chấp bảo Tiên cứ vận chuyển về Việt Nam vì đã nhiều lần trót lọt. Khi Tiên mang chiếc vali chứa 4 kg chất ma túy về đến Tân Sơn Nhất thì bị bắt giữ.
Như vậy, trong vụ án này, Duy phải chịu trách nhiệm 7,5 kg chất ma túy được giấu trong vali của Lợi và Tiên (trong đó Lợi 3,5 kg còn Tiên 4 kg).
Trong phiên sơ thẩm, vị đại diện VKSND TPHCM đề nghị mức án tử hình đối với Duy và tù chung thân đối với Tiên. Tuy nhiên, HĐXX nhận định, cả hai bị cáo đều không có tiền án, tiền sự, lần đầu phạm tội, thành khẩn khai báo với cơ quan điều tra nên đã xem xét giảm nhẹ hình phạt và tuyên mức án như trên.
Tuy nhiên, tại phiên phúc thẩm, HĐXX đã đồng tình với kháng nghị của VKSND TPHCM khi cho rằng, cấp sơ thẩm xử tù chung thân là quá nhẹ, chưa tương xứng với tính chất và hành vi của bị cáo Duy. Mặc dù được ăn học đến nơi đến chốn nhưng vì hám lợi, Duy đã bất chấp mọi thủ đoạn để vận chuyển "cái chết trắng". Xét thấy, việc loại Duy khỏi đời sống xã hội là cần thiết nên HĐXX tuyên mức án như trên.
Theo NLĐ

Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2012

Trứng vịt muối Trung Quốc "dính" chất gây ung thư

Hơn 100.000 quả trứng vịt muối và 2,2 tấn muối công nghiệp độc hại được sử dụng để sản xuất loại thực phẩm này đã bị tịch thu trong một cuộc đột kích ở TP.Giang Môn, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.
Các cán bộ quản lý thị trường và cảnh sát Giang Môn đã mở cuộc bố ráp một cơ sở sản xuất trứng vịt muối rộng khoảng 50 m2, sau khi nhận được nguồn tin tố giác nơi này sử dụng muối công nghiệp có chứa nitrit - một phụ gia bị cấm sử dụng do có khả năng gây ung thư - để sản xuất trứng vịt muối, Shanghai Daily đưa tin ngày 3.6.
Quản lý thị trường Trung Quốc phát hiện một số lượng lớn trứng vịt muối bị ngâm hóa chất độc hại - Ảnh: Reuters
Ông chủ cơ sở sản xuất tên Liu và hai công nhân đã bị bắt giữ cùng tang vật là 40 bao muối công nghiệp và 102.200 trứng vịt muối, trị giá 57.000 nhân dân tệ (khoảng 9.048 USD).
Liu cho biết giá muối công nghiệp chỉ ở mức 500 - 800 nhân dân tệ mỗi tấn, trong khi giá muối ăn lên đến 1.000 nhân dân tệ. Hiện cơ sở này cho ra thị trường hơn 3.000 quả trứng vịt muối/ngày, chủ yếu tiêu thụ tại địa phương.
Các nhà chức trách Trung Quốc cho biết đang tiếp tục tìm kiếm số trứng "bẩn" nhưng thừa nhận đây là một nhiệm vụ khó khăn. Bởi, hầu hết các loại trứng gia cầm được bán với số lượng lớn ra thị trường mà không có nhãn mác, rất khó cho việc điều tra và thu hồi.
Trứng vịt muối là một thực phẩm truyền thống của Trung Quốc, được làm bằng cách ngâm trứng vịt trong nước muối hoặc đóng gói từng quả trứng bằng hỗn hợp than/vỏ trấu ẩm ướt với muối ăn.
Hàng loạt vụ bê bối về an toàn thực phẩm ở Trung Quốc đã khiến 73% người tiêu dùng thừa nhận không yên tâm khi sử dụng thực phẩm nước mình, theo Tân Hoa xã.
Đầu tháng 5 vừa qua, hàng chục người bán rau ở thành phố Qingzhou, tỉnh Sơn Đông bị bắt quả tang bán bắp cải xịt formaldehyde (một chất khí có mùi hăng) để giữ cho chúng được tươi khi chuyển hàng ra chợ trên đoạn đường dài.
Theo TNO