Thứ Tư, 21 tháng 3, 2012

Nứt đập thủy điện là tối kỵ

Trong khi ban quản lý công trình vẫn giữ quan điểm nứt khe nhiệt là bình thường thì các chuyên gia về đập, thủy lợi, địa chất đều khẳng định tình trạng đập thủy điện sông Tranh 2 nứt, rò nước là bất thường, tối kỵ.
Chiều 20/3, ông Trần Văn Được, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và cán bộ Ban quản lý dự án thủy điện 3 - chủ đầu tư công trình thủy điện sông Tranh 2, đã đến khảo sát tình hình nứt, rò rỉ nước ở nhiều điểm trên thân đập. Đại diện ban quản lý vẫn giữ quan điểm: "Nước rò rỉ, thẩm thấu qua thân đập chính ở các khe nhiệt và có trong thiết kế".
Theo Ban quản lý dự án thủy điện 3, hiện tượng nước chảy ra ở 3 vị trí phía hạ lưu đập là bình thường tại vị trí khe nhiệt (không phải khe nứt). 30 khe nhiệt này được thiết kế bố trí và thi công đều trên toàn tuyến đập, xuyên suốt từ phía thượng lưu về hạ lưu, nhằm triệt tiêu ứng suất nhiệt gây nứt bêtông trong quá trình thi công và vận hành. Các dòng chảy ra phía hạ lưu đập và toàn bộ lượng thấm qua đập khoảng 30 lít một giây, nằm trong tầm kiểm soát, an toàn vận hành hồ chứa.
Nước rò rỉ qua vết nứt đập chính thủy điện Sông Tranh 2 chảy mạnh thành dòng như con suối. Ảnh: Trí Tín
Nước chảy qua vết nứt đập chính thủy điện Sông Tranh 2 thành dòng như suối. Ảnh: Trí Tín.
Lời giải thích này bị cả chính quyền địa phương cùng các chuyên gia, nhà khoa học phản bác. Giáo sư, tiến sĩ Đào Trọng Tứ, Cố vấn mạng lưới sông ngòi Việt Nam, nguyên phó tổng thư ký Hiệp hội sông MêKông khẳng định, về nguyên tắc xây dựng đập thủy điện, các khe nhiệt ở giữa có lớp vật liệu đàn hồi dẻo hoặc gioăng bằng đồng giãn nở, tuyệt đối không cho phép nước từ lòng hồ rò rỉ qua khe nhiệt của thân đập. Nếu đập chính thủy điện mà xuất hiện vết nứt, nước thẩm thấu chảy mạnh xuyên qua thân đập như ở Sông Tranh 2 thì rất nguy hiểm.
Theo GS Tứ, mức độ nguy hiểm của vết nứt, rò rỉ này như thế nào thì các bộ, ngành cần nghiêm túc vào cuộc kiểm tra thực tế ở công trình; đồng thời đặt trong bối cảnh thực tế ở địa phương thì mới đánh giá toàn diện được.
Tháng 12/2011 sau khảo sát địa chất khu vực Bắc Trà My, Viện khoa học và công nghệ Việt Nam kết luận, khi hồ thủy điện Sông Tranh 2 tích nước, tải trọng nước hồ làm tăng áp suất nước lỗ rỗng trong các đới dập vỡ, do đó làm giảm độ bền của đất đá. Khi đới đứt gãy địa chất hoạt động, việc giảm độ bền của đất đá dẫn tới dịch trượt làm cho động đất phát sinh gây ra những tiếng nổ, tạo dư chấn mạnh trong lòng đất.
Trên cơ sở này, GS Cao Đình Triều, chuyên gia Viện vật lý địa cầu Việt Nam nhận định: "Thủy điện Sông Tranh 2 nằm trong đới đứt gãy địa chất hoạt động, do vậy vết nứt, rò rỉ trên thân đập chính không thể nói là chuyện bình thường. Nếu các cơ quan chuyên môn không sớm vào cuộc xử lý thấu đáo thì lâu ngày đập bị phá hỏng dễ gây thảm họa khó lường cho cư dân sinh sống ở vùng hạ lưu".
Vết nứt, rò rỉ nước chảy lênh láng ở nhiều vị trí phía hạ lưu đập chính thủy điện Sông Tranh 2. Ảnh: Trí Tín
Vết nứt, rò nước chảy ở nhiều vị trí phía hạ lưu đập chính thủy điện sông Tranh 2. Ảnh: Trí Tín.
Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 có hồ chứa nước vào loại lớn nhất miền Trung, dung tích khoảng 730 triệu m3 nước, nằm cao hơn vùng hạ lưu khoảng 100 m. Đập chính có cao trình 175 m, là một khối bêtông liên hoàn khổng lồ kéo dài, rất dày và rộng, có 5 cửa xả tràn ở giữa cùng thân bờ đập hai bên và được thi công theo công nghệ bêtông đầm lăn.
Giáo sư, tiến sĩ khoa học Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội đập lớn Việt Nam thì khẳng định: “Nứt, rò rỉ nước từ khu vực hồ chứa ở thượng lưu xuyên qua thân đập về hạ lưu là điều tối kỵ trong xây dựng đập. Đây là hiện tượng xói ngầm, nếu không xử lý kịp thời để kéo dài dễ gây phá hỏng đập, nhất là vùng này nằm trong nền địa chất có đới đứt gãy hoạt động nên càng nguy hiểm".
Hiện tại chủ đầu tư thuê các nhà thầu xử lý triệt tiêu dòng thấm, bịt những vết nứt, rò đập sông Tranh 2. Tuy nhiên, theo GS Giang, đây chỉ là giải pháp tạm thời. Muốn khắc phục các điểm nứt, rò rỉ phải xử lý hướng từ thượng về hạ lưu thì mới ổn định lâu dài. Trong công nghệ bêtông đầm lăn xây dựng đập thủy điện quy mô lớn, chưa công trình nào có hiện tượng nứt, rò rỉ ở thân đập chính nguy hiểm như ở thủy điện Sông Tranh 2.
Trước tình hình này, UBND huyện Bắc Trà My hôm qua đã gửi văn bản hỏa tốc thứ hai tiếp tục đề xuất tỉnh Quảng Nam kiến nghị các bộ, ngành trung ương sớm vào cuộc kiểm tra, khắc phục các vết nứt đập sông Tranh 2.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My bức xúc: “Chủ đầu tư giải thích nguyên nhân nứt đập mang tính chủ quan, không đủ tính thuyết phục. Nếu đánh giá tình trạng nứt đập là bình thường, tại sao những ngày qua chủ đầu tư lo lắng thuê nhà thầu trám, bịt các điểm rò rỉ cho tốn kém, sao không để chảy tự nhiên theo thiết kế".
Tối 20/3, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Nam cũng gửi văn bản yêu cầu Công ty thủy điện Sông Tranh 2 khẩn trương tập trung xử lý nước rò rỉ tại công trình. Theo đó, công ty này cần mời chuyên gia của các đơn vị tư vấn độc lập; phối hợp với đơn vị tư vấn thiết kế công trình (Công ty cổ phần tư vấn xây dựng Điện 1), đơn vị thi công khẩn trương tổ chức kiểm tra, khảo sát và quan trắc bằng các thiết bị hiện đại đối với hạng mục đập chính. Từ đó, công ty phải đưa ra nguyên nhân và giải pháp kỹ thuật khắc phục tình hình nứt, rò đập, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình và nhân dân vùng hạ du.
Trí Tín

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét